Sâu răng khổ lắm ai ơi!

Đau răng luôn là vấn đề nan giải đối với tất cả mọi người. Nếu không ngăn chặn kịp thời, bạn sẽ rất dễ phải chịu những trận nhức răng ê buốt lên tận đỉnh đầu.

Sâu răng là bệnh lý răng miệng phổ biến, thường gặp nhất hiện nay, dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa. Trong nhiều trường hợp răng bị vi khuẩn tấn công, rất khó phát hiện, chỉ đến khi răng bị ăn mòn, dấu hiệu sâu răng có nguy cơ biến chứng nguy hiểm thì nhiều người mới phát hiện ra mình bị sâu răng.

Bệnh sâu răng vẫn ngày càng tăng

Theo bác sĩ Lê Bích Vân - Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), tuy y học đã phát triển, vệ sinh răng miệng đã được phổ biến và thực hiện rộng rãi, nhưng bệnh sâu răng vẫn ngày càng tăng. Tại VN, theo điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc năm 2001 của Viện Răng Hàm Mặt, tỷ lệ sâu răng của trẻ 12 tuổi là 57,3%, tỷ lệ này là 72,3% ở nhóm tuổi từ 35 - 44 tuổi, 47,3% mất răng toàn bộ. Riêng ở TP.HCM, tỷ lệ sâu răng trẻ 12 tuổi là 79,9%.

Thông thường, biểu hiện của răng sâu giai đoạn đầu là răng ngả màu sẫm, xuất hiện những đốm trắng đục. Đây là dấu hiệu sâu răng mà hầu hết mọi người có thể nhìn thấy nhưng đều bỏ qua. Thực tế chứng minh, quá trình sâu răng bắt đầu với việc các vi khuẩn làm mất các khoáng chất, đặc biệt là can xi trong men răng nên mới dẫn đến sự xuất hiện của những đốm trắng đục. Lúc này, bình thường không hề có cảm giác đau nhức, nhưng khi ăn đồ ngọt sẽ cảm thấy hơi nhức một chút rồi lại hết.

Sâu răng ở giai đoạn 2 với biểu hiện là xuất hiện lỗ sâu trên răng. Bệnh sâu răng có tốc độ phát triển khá chậm, cần phải mất khoảng từ 2 - 4 năm, bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng mới bị ăn sâu vào, và khoảng từ 6 tháng cho đến 1 năm (hoặc có khi 2 năm) thì hình thành nên những lỗ sâu màu đen ở trên mặt nhai và thân răng. Lúc này, tình trạng sâu răng đã trở nên rất nghiêm trọng. Đây chính là biểu hiện của răng sâu dễ nhận biết nhất khi quan sát. Thậm chí, khi sâu răng ăn dần đến tủy và chân răng, bắt đầu hình thành mủ thì nguy cơ mất răng rất cao.

Đau nhức dữ dội là biểu hiện cuối cùng của răng sâu. Ban đầu sâu răng không gây đau nhức, khi hình thành nên lỗ sâu thì có thể xuất hiện các cơn đau dữ dội hơn, đau nhiều lần hơn và cơn đau liên tục không dứt, kéo dài trong khoảng thời gian dài, có khi gây khó ngủ. Đặc biệt là khi sâu răng tiến vào tủy có thể gây nên những cơn đau nhức buốt nhói đến tận óc rất khó chịu.
Sâu răng khổ lắm ai ơi!  - ảnh 1

Sâu răng đâu phải do... con sâu

Bệnh sâu răng phát sinh do quá trình vệ sinh răng miệng không tốt, thêm vào đó là thói quen ăn đồ ngọt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vi khuẩn sẽ sản sinh ra a xít làm tổn hại đến mô răng gây bệnh sâu răng chứ không có... con sâu như nhiều người tưởng.

Theo bác sĩ Lê Bích Vân, sâu răng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây sâu răng là tổng hợp của nhiều yếu tố. Đầu tiên có thể kể tới vai trò của vi khuẩn trong các mảng bám, thức ăn còn lưu lại trên răng, nhất là các chất bột, đường. Vi khuẩn lên men carbohydrate, sinh axít hòa tan muối khoáng của men răng làm mất khoáng của men răng tạo lỗ sâu. Vệ sinh răng miệng kém, răng mọc chen chúc tăng nguy cơ lưu thức ăn sau khi ăn làm dễ bị sâu răng. Ngoài ra, những người bị khô miệng do cắt bỏ tuyến nước bọt cũng dễ bị sâu răng, vì nước bọt có tính chất diệt khuẩn và làm sạch răng, lưu lượng nước bọt càng nhiều thì khả năng làm sạch càng tốt, làm giảm lượng vi khuẩn trong miệng, do đó ít bị sâu răng. Không chỉ vậy, sâu răng cũng còn phụ thuộc vào độ cứng của men, ngà răng, mà chất lượng men, ngà phụ thuộc tính chất di truyền, chế độ dinh dưỡng.


Ngừa sâu răng không khó
Khi bị sâu răng, người bệnh sẽ có cảm giác ê buốt khi ăn nóng, lạnh, chua, ngọt nhưng hết đau khi hết kích thích. Giắt thức ăn vào lỗ sâu khi ăn, khi thức ăn lọt vào hay chọc tăm vào lỗ sâu thì có cảm giác đau, buốt. Khi sâu răng tiến triển thành lỗ sâu gần sát tủy thì triệu chứng ê buốt nhiều hơn, khi lỗ sâu nằm sát nướu có thể gây viêm nướu. Những cơn đau hay ê buốt bất ngờ khi nhai đồ cứng, uống nước lạnh hoặc nóng là một trong những biểu hiện của sâu răng nhưng khi hết kích thích sẽ hết đau.
Để giảm số lượng vi khuẩn là nguyên nhân chủ yếu gây sâu răng, cần vệ sinh răng miệng, giảm mảng bám vi khuẩn quanh răng. Chải răng sau khi ăn là biện pháp hữu hiệu làm giảm mảng bám. Cần duy trì việc đánh răng thường xuyên. Nên thay bàn chải 3 - 4 tháng một lần, hoặc khi lông bàn chải tòe, mòn để có tác dụng làm sạch thức ăn, dùng chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng. Người bình thường cũng cần lấy cao răng định kỳ 6 - 12 tháng/lần.

Cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, không nên ăn vặt, nhất là thức ăn có đường, tăng cường ăn thức ăn có nhiều chất xơ nhằm gia tăng cọ xát, chải rửa tự nhiên khi ăn nhai. Nhiều trẻ em được cha mẹ cho ăn quá nhiều kẹo, nhất là vào buổi tối, lại không đánh răng sau khi ăn, hậu quả là hàm răng bị sâu “đục khoét” gây biến dạng, vừa mất thẩm mỹ, vừa gây ra đau đớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Sâu răng nếu phát hiện kịp thời và được điều trị sớm sẽ tốt cho sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe toàn thân nói chung. Bệnh sâu răng nếu không được chữa trị sẽ gây những biến chứng tại chỗ và toàn thân như viêm tủy răng, viêm quanh chóp chân răng khiến việc ăn uống trở nên khó khăn hơn, ngủ cũng không yên giấc vì bị những cơn đau hành hạ. Hơn nữa, sâu răng còn gây biến chứng viêm mô lỏng lẻo, viêm hạch, viêm tủy xương, đôi khi viêm lan rộng hoặc gây nhiễm trùng huyết hoặc làm nặng thêm các bệnh toàn thân sẵn có.